Người thiệt – là nông dân, thương lái, doanh nghiệp – kêu cứ kêu; Cơ quan quản lý than cứ than. Giải pháp không phải là không có, khó thực hiện là do “tại anh-tại ả-tại cả đôi bên”, nên tình trạng cứ tái diễn, trường kỳ!
Nông dân-thương lái là một kênh giao thương truyền thống. Cứ tới mùa nông sản đầy đồng, đầy vựa, thương lái ào ào kéo đến, nói 5 biết giá 5, nói 10 mong 10. Với những mặt hàng phải tiêu thụ ngắn ngày, bà con càng hiếm cơ hội làm giá ngược.
Thương lái thì đặt hàng trước, đến thu gom, giá rất rẻ. Sau khi gom, thương lái họ sẽ phân loại và bán theo giá khác nhau, gắn vào các thương hiệu khác nhau, đến tay người tiêu dùng thì vai trò của bà con chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong chuỗi cung ứng. Thiệt nhiều!
Rồi dịch Covid-19 ập đến, rau-củ-quả vẫn xanh tươi, được mùa, nhưng giãn cách-cách ly “ai ở đâu, ở yên đó”, thương lái cũng thành thất nghiệp – không ai đến làm giá với nông dân. Hàng hóa ứ đọng – tiếng than thở lan thấu khắp nơi! Cộng đồng muốn chung tay cũng không thể cứu vãn tình hình. Cơ quan chức năng được chỉ đạo – buộc phải vào cuộc, một chiến dịch diễn ra.
Sau cái bắt tay giữa cơ quan chức năng với hàng loạt doanh nghiệp thương mại điện tử, nhiều bà con vừa được đào tạo livestream bán hàng, vừa được hỗ trợ các công đoạn khác – làm chủ cuộc chơi tốt hơn – lợi ích tức thì. Thời điểm đó gọi là “giải cứu”, nhưng nếu duy trì và phổ rộng được cách thức này – một thế hệ nông dân mới hình thành, chắc chắn những bất cập cố hữu ở kênh giao thương truyền thống: nông dân và thương lái tại điểm, sẽ được cải thiện.
Diễn giải của chuyên gia kinh tế nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy càng thêm khẳng định, giống câu chuyện lúc trước của nhà nông – trồng cứ trồng, chăm cứ chăm, sản lượng tốt là được mùa, sản lượng kém là mất mùa, còn lại, thương lái quyết – thiệt cứ thế về mình.
Năm nay, ùn ứ nông sản nơi cửa khẩu căng thẳng hơn, thì vẫn là vì đó! Không thể nói “vì chính sách zero Covid-19, phía bạn thận trọng khâu xuất-nhập”.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng – Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn … khẳng định, “đã dự báo tình hình, đã tăng cường tuyên truyền cảnh báo tránh ùn ứ, chờ giải cứu, doanh nghiệp, thương lái không nghe”. Doanh nghiệp-thương lái thì dồn tụ lại, ngầm khẳng định, “không xuất qua cửa khẩu đó, khó bán được nơi nào”. Tình trạng người kêu cứ kêu, nơi than cứ than… lại tái diễn. Giới chuyên gia sôi sục lên trên mọi diễn đàn bởi “dường như những người trong cuộc không chịu chấp nhận thực tế: một sự lệ thuộc kéo dài – trường kỳ. Cần một chiến dịch bài bản, thay đổi – thoát khỏi sự lệ thuộc”.
Sản xuất là phải có kế hoạch, có phương án và dự phòng rủi ro. Dịch bệnh hay ách tắc xuất nhập khẩu cũng là rủi ro phải tính. Đặc biệt nông sản, cơ bản là sản xuất nhỏ lẻ của bà con nên có liên kết với doanh nghiệp cũng chỉ được phần nào, quan trọng là phải có công cụ kết nối giữa 3 nhà, đặc biệt là nhà nước-nhà quản lý đối với vùng sản xuất và thị trường.
Quan trọng nhất, vai trò quản lý Nhà nước, cần có công cụ thống kê, nắm bắt tình hình sản xuất sản lượng, phải có chuỗi kết nối người mua-người bán, điều phối thị trường. Ở khu vực sản xuất, chính quyền phải nắm bắt được thông tin và dự báo, chịu trách nhiệm thông tin đấy. Công cụ kết nối hiện nay rời rạc quá.
Cũng theo cách diễn giải của chuyên gia nông nghiệp-doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, đầu nguồn sản phẩm là nhà nông, muốn thoát lệ thuộc thương lái, cần sản xuất sạch hơn, chất lượng hơn – tự tin với đầu ra sẽ chủ động hơn về giá cả, bạn hàng. Doanh nghiệp, thương lái là kênh trung gian, thoát lệ thuộc thị trường truyền thống, phải tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đa kênh, đa dạng hóa thị trường.
Chung quy, vẫn cần chiến lược – từ tầm nhìn có hệ thống của cơ quan chức năng, biến thành hành động, và nhân rộng. Nếu không, cũng tầm này sang năm, doanh nghiệp-thương lái kêu vẫn cứ kêu, cơ quan chức năng than vẫn cứ than – cứ thế, chuyện trường kỳ./.