Từ xưa đến nay sữa chua luôn là thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Sữa chua (yaourt) là sữa bò được lên men với các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột (Lactobacillus bulgaricus và Streptococus thermophilus).
Trong quá trình lên men sữa chua đường Lactoza chuyển thành đường glucoza, sau đó các đường đơn này chuyển thành axit Piruvic, rồi chuyển thành axit lactic. Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất protein (với nhiều axit amin cần thiết, nhất là Lysin), Glucid, Lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B và A.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, lợi ích sữa chua mang lại rất lớn như cung cấp các chủng vi khuẩn sống có lợi cho hoạt động ruột, tăng cường miễn dịch; Giàu các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, canxi; Ngăn ngừa tăng cân…
Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi (Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium), giảm bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Có một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột. Sữa chua đặc biệt thích hợp với người già, trẻ em, người mới ốm dậy, nhất là những người mắc bệnh về tiêu hóa.
Trong 100 gr sữa chua có chứa khoảng 100 kcal, có chất đường (15,4 gr), chất đạm (3,1 gr), chất béo (3 gr), canxi và một số loại vitamin như A, D, E… Đặc biệt, lượng canxi trong sữa chua rất cao.
Sữa chua tự làm có tốt hơn sữa chua đóng hộp? (PV) PGS.TS Lâm Vĩnh Niên cho biết, giá trị dinh dưỡng: tương đương nhau nếu cùng thành phần nguyên liệu. Với sữa chua tự làm sẽ kiểm soát được chất phụ gia, đường thêm vào. Và một điều nữa là sữa chua tự làm thường rẻ hơn, sử dụng vật chứa tái sử dụng nên ít gây hại môi trường.
“Khi tự làm sữa chua cần phải lưu ý về vấn đề toàn thực phẩm: Không để sữa, sản phẩm từ sữa ở nhiệt độ thường (nhiệt độ phòng) hơn 2 giờ; Nguyên liệu sử dụng cần bảo đảm an toàn“, PGS.TS Lâm Vĩnh Niên nói.
Lưu ý về lượng đường và chất béo có trong sữa chua, có thể dẫn đến tăng cân. Nên chọn loại sữa chua ít béo và không đường.
Hãy bảo quản sữa chua trong tủ lạnh sau khi mua về hoặc ngay sau khi làm, tốt nhất sử dụng sữa chua trong thời gian sớm. Đối với sữa chua đóng hộp khi mua cần xem kỹ hạn sử dụng của sản phẩm in trên bao bì để đảm bảo có thể sử dụng sữa chua một cách an toàn trong nhiều ngày.
BS. Ngô Thị Hà Phương – Viện Dinh dưỡng chỉ ra các trường hợp nên dùng sữa chua cụ thể như sau:
Khi lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột nên cơ thể rất dễ nhiễm bệnh. Trong trường hợp này sữa chua rất có hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột.
Người bị viêm loét dạ dày thường phải dùng thuốc kháng axit nên làm cho vi khuẩn sinh hơi dồn lên, làm bụng trở rất khó chịu. Nếu ăn sữa chua trong trường hợp này giúp cho bụng hết sình hơi, ấm ách là nhờ khí được đẩy xuống và tính axit được phục hồi.
Trẻ bị tiêu chảy hoặc biếng ăn, cho ăn sữa chua sẽ chữa được tiêu chảy là nhờ sữa chua lập lại cân bằng vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua giúp việc điều trị tiêu chảy. Sữa chua dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với trẻ biếng ăn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, cơ thể hấp thu sữa chua gấp 3 lần sữa tươi.